Phòng chống thâu tóm thù nghịch – Chiến thuật “Viên thuốc độc”

Để có thể thâu tóm một công ty, bên thâu tóm sẽ cần thu mua được một lượng cổ phiếu nhất định của công ty mục tiêu, đủ để nắm quyền kiểm soát công ty đó (thường là mua được từ 51% số cổ phần trở lên). “Viên thuốc độc” (poison pill) là một phương pháp phòng hộ thâu tóm thù địch bằng cách “pha loãng” cổ phiếu nhằm tạo ra rào cản về giá mua cho công ty định thâu tóm. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích về chiến thuật “viên thuốc độc” trong quá trình Mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A), một trong những chiến thuật được sử dụng phổ biến nhất hiện nay

Bài viết liên quan

 

Mở đầu

M&A (Merger and Acquisition – mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Nhìn chung, M&A là một phương thức thường được các công ty nước ngoài lựa chọn khi đầu tư vào thị trường của một quốc gia, với ưu điểm là sẽ tận dụng được các ưu thế thương mại sẵn có của công ty mục tiêu (ví dụ như: thương hiệu, nhân lực chủ chốt, công nghệ…); ngoài ra, đây cũng là một hình thức tập trung kinh tế, nguồn lực để phát triển và/hoặc tái cơ cấu lại doanh nghiệp yếu kém.

Tuy nhiên, ngoài các lợi ích trên, thực tế cũng không tránh khỏi các vụ thâu tóm thù nghịch (hostile takeover) – các thương vụ mua bán/sáp nhập mà ban lãnh đạo công ty mục tiêu không mong muốn thực hiện. Các thương vụ thâu tóm thù nghịch này khi xảy ra sẽ gây tổn hại đến lợi ích của người lao động và ban lãnh đạo của công ty mục tiêu, bởi lẽ các vụ nhà đầu tư mới khi mua đủ tỷ lệ theo Điều lệ thường sẽ yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo và người lao động của Công ty mục tiêu bằng các nhân sự của mình, hoặc trong trường hợp không thay thế thì cũng sẽ có sự mâu thuẫn, tranh chấp giữa hội đồng quản trị cũ và mới trong công ty mục tiêu.

Chính vì lẽ đó, ban lãnh đạo công ty mục tiêu luôn có xu hướng muốn tránh các thương vụ thâu tóm thù nghịch, nhưng điều này không phải dễ thực hiện do cơ chế về phương thức phòng vệ “hostile takeover” không được quy định trực tiếp trong các điều luật. Và để hỗ trợ cho doanh nghiệp, các luật sư đã dựa trên lý thuyết của nhiều lĩnh vực (pháp luật, kinh tế học, quản trị doanh nghiệp, tâm lý học…) để sáng tạo ra những chiến lược, chiến thuật nhằm chống lại các thương vụ thâu tóm thù nghịch. Cùng với sự phát triển đa dạng, không ngừng nghỉ của hoạt động kinh doanh thương mại, đã có khá nhiều chiến thuật phòng hộ được sáng tạo ra, có thể kể đến như: chiến thuật “viên thuốc độc” (poison pill), chiến thuật “chiếc dù vàng” (golden parachure), chiến thuật “hiệp sĩ đen” (black knight), “hiệp sĩ trắng” (white knight) …

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích về chiến thuật “viên thuốc độc” trong quá trình Mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A), một trong những chiến thuật được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, đồng thời cũng là một dạng chiến lược ứng dụng rất nhiều lý thuyết, kiến thức về pháp luật doanh nghiệp.

Giới thiệu về chiến thuật viên thuốc độc (Poison pill)

Để có thể thâu tóm một công ty, bên thâu tóm sẽ cần thu mua được một lượng cổ phiếu nhất định của công ty mục tiêu, đủ để nắm quyền kiểm soát công ty đó (thường là mua được từ 51% số cổ phần trở lên). “Viên thuốc độc” (poison pill) là một phương pháp phòng hộ thâu tóm thù địch bằng cách “pha loãng” cổ phiếu nhằm tạo ra rào cản về giá mua cho công ty định thâu tóm. Việc pha loãng cổ phiếu ở đây được hiểu là công ty mục tiêu sẽ phát hành thêm cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ, qua đó làm giảm giá trị cổ phiếu của chính công ty đó, từ đó gây bất lợi cho công ty hoặc cá nhân mua lại.

Chiến thuật “viên thuốc độc” đã xuất hiện từ những năm 1980 và do văn phòng luật Wachtell, Lipton, Rosen và Katz có trụ sở tại New York nghĩ ra. Cái tên này xuất phát từ những viên thuốc độc mà các điệp viên mang theo trong quá khứ để tránh bị kẻ thù tra hỏi trong trường hợp họ bị bắt. Chiến thuật này được phác thảo bởi các luật sư như một cách để ngăn một công ty thâu tóm mua một phần lớn cổ phần của công ty mục tiêu hoặc đàm phán trực tiếp với các cổ đông công ty, trong bối cảnh mà các thương vụ M&A (cả thân thiện và thù nghịch) đang trở nên phổ biến tại Mỹ.

Về ưu điểm, với việc phát hành thêm cổ phiếu để pha loãng, giá trị cổ phiếu của công ty mục tiêu sẽ bị giảm đi, điều này đồng nghĩa với việc bên thâu tóm phải chi trả một mức phí cao hơn dự tính nhiều lần để có thể thu mua số lượng cổ phần đủ để chiếm quyền kiểm soát công ty mục tiêu, và từ đó phải cân nhắc từ bỏ ý định thâu tóm.

Ví dụ: Công ty A có vốn điều lệ là 1 tỷ đồng, điều này có nghĩa nếu có một công ty B muốn mua 100% cổ phần của công ty A, B cần trả 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu như công ty A phát hành cổ phiếu mới để nâng vốn điều lệ lên 2 tỷ đồng, khi đó, số tiền 1 tỷ đồng của công ty B sẽ chỉ mua được 50% cổ phần của A.

 Tuy nhiên, về hạn chế, phương án này cũng gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông công ty, bởi lẽ, khi phát hành thêm cổ phiếu, tỉ lệ sở hữu cổ phần trong công ty của các cổ đông hiện hữu sẽ bị giảm xuống và họ sẽ cần bỏ tiền ra mua thêm số lượng cổ phiếu mới của công ty để đạt được tỷ lệ sở hữu như ban đầu.

Vừa có hiệu quả ngăn chặn bên thâu tóm, nhưng cũng đồng thời tổn hại đến lợi ích bản thân, đây chính là lý do phương pháp này được đặt tên là “Viên thuốc độc”.

Cách thức thực hiện

Trình tự, thủ tục chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được quy định trong Điều 124, Luật Doanh nghiệp 2014 và hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 108/2018/NĐ-CP. Trước tiên, công ty cần thực hiện việc chào bán cổ phần theo các bước sau:

chiến thuật viên thuốc độc
Chiến thuật Viên thuốc độc

Bước 1: Họp và ra quyết định

Đại hội đồng cổ đông họp và ra quyết định chào bán cổ phần theo hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

Bước 2: Thông báo quyết định

Công ty phải thông báo bằng văn bản đến các cổ đông theo phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ liên lạc của họ trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần (yêu cầu về hình thức thông báo được quy định trong Điều 144 Luật Doanh nghiệp);

Bước 3: Thực hiện bán cổ phần

Công ty phải phát hành và trao cổ phiếu cho người mua, nếu không thì phải ghi nhận thông tin vào sổ đăng ký cổ đông.

Sau khi hoàn tất quy trình chào bán cổ phần, công ty cần thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh. Thủ tục này được hướng dẫn tại Điều 44 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP. Cụ thể, công ty cần nộp bộ hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ, bao gồm các tài liệu sau:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (theo mẫu của Phụ lục II-1, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
  • Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần;
  • Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần;

Điểm cần lưu ý

Nhìn chung, thủ tục chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ của công ty khá đơn giản vì đã được quy định rõ ràng trong luật. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trong trường hợp nào các cổ đông công ty cũng đồng ý việc pha loãng cổ phần như trên, vì việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi ích của họ. Vì vậy, để có thể áp dụng phương pháp “Viên thuốc độc” trên thực tế, ban lãnh đạo của công ty mục tiêu cần lưu ý các điểm sau:

  • Tại thời điểm mới thành lập công ty, ban lãnh đạo cần đưa vào trong điều lệ các quy định về việc các cổ đông sẽ phải đồng ý thông qua quyết định pha loãng cổ phần của công ty khi công ty nhận được các đề nghị thâu tóm thù nghịch, đồng thời, cổ đông sẽ được quyền thu mua cổ phần mới phát hành với giá ưu đãi.
  • Trong trường hợp điều lệ công ty chưa có các quy định cụ thể như trên nhưng bãn lãnh đạo công ty đã nhận được đề nghị thâu tóm thù nghịch: Ban lãnh đạo công ty cần ngay lập tức tổ chức cuộc họp để sửa đổi, bổ sung quy định trong điều lệ. Theo quy định tại Điều 135, 143 và 144 Luật Doanh nghiệp, Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty cổ phần bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Nghị quyết về sửa đổi điều lệ sẽ được thông qua khi có được ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành (trong trường hợp điều lệ công ty không quy định khác về tỷ lệ biểu quyết).

Chính vì vậy, để có thể áp dụng phương pháp “Viên thuốc độc” trong trường hợp này, ban lãnh đạo công ty cần nắm được đa số phiếu biểu quyết trong cuộc họp sửa đổi, bổ sung điều lệ.

Bài học rút ra

Từ các phân tích về chiến lược “viên thuốc độc” như trên, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của điều lệ công ty trong hoạt động kinh doanh của một công ty. Nếu được quy định các điều khoản phù hợp, điều lệ công ty sẽ là một công cụ pháp lý quan trọng giúp chống lại các cuộc thâu tóm thù nghịch.

Hiện nay, các quy định của pháp luật về thâu tóm và sáp nhập đã được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…, tạo nền tảng pháp lý cho việc tái cấu trúc doanh nghiệp nói chung, thâu tóm và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp nói riêng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các văn bản này đều không có quy định hay hướng dẫn về cơ chế phòng hộ trong trường hợp thâu tóm thù nghịch, chính vì vậy, doanh nghiệp phải tự xây dựng cơ chế phòng hộ cho riêng mình thông qua bản điều lệ công ty – bộ luật của riêng doanh nghiệp.

Trên thực tế, Luật doanh nghiệp tạo điều kiện cho các công ty được phép tự chủ trong xây dựng điều lệ và chỉ yêu cầu phải đáp ứng một số nội dung cơ bản cần có. Chính vì vậy, ban lãnh đạo của các doanh nghiệp có thể (dựa trên sự tham vấn của các luật sư kinh nghiệm) chủ động đưa vào trong điều lệ công ty các quy định trực tiếp, hoặc gián tiếp với mục tiêu bảo vệ/tạo ra các quyền ưu tiên cho cổ đông/nhóm cổ đông chi phối, cổ đông hiện hữu nhằm làm nản lòng bên mua có ý định thâu tóm thù nghịch. Liên hệ với chiến thuật “viên thuốc độc”, nếu như trong điều lệ công ty có quy định cơ chế thuận lợi cho việc ủy quyền kêu gọi vốn đầu tư của ban lãnh đạo, công ty mục tiêu sẽ dễ dàng phát hành một lượng lớn cổ phiếu mới trong thời gian ngắn để pha loãng, tạo ra rào cản về vốn cho bên thâu tóm.

Có thể thấy, phòng hộ các thương vụ thâu tóm thù nghịch là một vấn đề phức tạp đòi hỏi kiến thức, kĩ năng trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên chủ động nhờ đến sự tư vấn của các luật sư, công ty luật có kinh nghiệm để xây dựng cơ chế phòng hộ phù hợp với mình.  

Bài viết khác

Bài viết liên quan